Bài viết cung cấp một số thông tin về tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cần Thơ và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã được các ban, ngành, đoàn thể và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo và giảm nghèo bền vững của thành phố.
Năm 2018, lực lượng lao động toàn thành phố Cần Thơ là 730.377 người, trong đó, lao động có việc làm là 705.906 người (24,1% lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên), số lao động thất nghiệp là 24.471 người.
Chín tháng đầu năm 2018, thông qua các hoạt động giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ Cần Thơ đã giải quyết việc làm cho 53.657 lao động (trong đó, có 132 lao động đi làm việc ở nước ngoài). Trong năm 2018, Trung tâm đã thực hiện tổ chức dạy nghề cho 4.732 lao động nông thôn với 141 lớp. Trong đó, đã tổ chức 30 lớp đào tạo các nghề nông nghiệp với 1.020 người tham dự và 111 lớp đào tạo các nghề phi nông nghiệp với 3.712 người tham dự.
Với 37 nghề đào tạo thuộc 2 lĩnh vực nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Nhóm nghề nông nghiệp: Trồng và chăm sóc cây cảnh, cây ăn trái; Trồng rau an toàn; Nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm; Sản xuất lúa giống; Trồng hoa kiểng; Nuôi trồng thủy sản; Xử lý bảo quản nông sản; Trồng sen; Trồng nấm rơm; Trồng lúa chất lượng cao; Trồng và chăm sóc cây lương thực, thực phẩm (cây bắp);… Nhóm nghề phi nông nghiệp: Phục vụ bàn, Pha chế thức uống, Sửa chữa điện lạnh, Sửa chữa đèn Led; Thiết kế đồ họa; Chăm sóc da; Trang điểm; May công nghiệp; Nấu ăn; Kỹ thuật Hàn; Nails; Lái xe ô tô hạng B2; May Giầy da; Nề (Xây dựng); May gia dụng; Sửa chữa máy tính; Uốn tóc; Đan đát; Đan dây nhựa; Đan lục bình; Nghiệp vụ Du lịch; Sửa máy nổ; Điện cơ; Sửa xe gắn máy.
Công tác đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động cũng được thực hiện thường xuyên và liên tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ nhằm hỗ trợ đào tạo kịp thời, thiết thực và hiệu quả cho người lao động. Thông qua sự hỗ trợ kinh phí đào tạo từ các dự án trong và ngoài nước, các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình của chính phủ. Cụ thể: năm 2012, trong khuôn khổ Dự án Hàn Quốc, Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ đã đào tạo cho 100 học viên tham gia “Chương trình hỗ trợ phụ nữ nông thôn tham gia lãnh đạo và nâng cao quyền năng kinh tế” tại các mô hình trồng dâu Hạ châu tại huyện Phong Điền, trồng rau sạch tại huyện Thới Lai và mô hình sản xuất cơm rượu tại huyện Cờ Đỏ. Cùng với đó, một số mô hình sau khi triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt để giải quyết việc làm tại chỗ với hình thức gia công sản phẩm như: May Công nghiệp, May gia dụng, Đan đát; Đan dây nhựa, Đan lục bình; các nhóm nghề nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất lúa giống; các nghề giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng 3 bên giữa cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và địa phương như nề, hàn, tiện, sửa xe gắn máy,… Theo đó, tỷ lệ lao động sau khi học nghề có việc làm đạt 84,8%, một số địa phương có tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề năm 2018 cao như quận Ô Môn (85,2%), quận Cái Răng (98%), huyện Thới Lai (89%), huyện Phong Điền (85%), huyện Vĩnh Thạnh (96%).
Thực hiện Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cần Thơ giao Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm để trình Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
Trong giai đoạn từ năm 2010 – 2018, thành phố Cần Thơ đã tổ chức 262 lớp đào tạo nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp với 7.726 học viên, trong đó số người được cấp chứng chỉ là 7.676, chiếm tỷ lệ 99,4%; Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề ước đạt trên 80%. Các nhóm nghề đào tạo gồm:
+ Nhóm nghề trồng trọt: 6.564 người (trong đó: Trồng cây ăn trái: 1.829 người; Trồng cây lương thực, thực phẩm: 3.435 người; Trồng rau, màu: 591 người; Trồng hoa và tạo dáng cây cảnh: 709 người).
+ Nhóm nghề chăn nuôi: 930 người (trong đó: Nuôi gia súc: 666 người; Nuôi gia cầm: 230 người; Chăn nuôi, thú y khác: 34 người).
+ Nhóm nghề thủy sản: nuôi thủy sản nước ngọt: 198 người.
+ Nhóm nghề dịch vụ nông nghiệp: sữa chửa máy nông nghiệp 34 người
– Số lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp trong giai đoạn 2010 – 2018 chia theo đối tượng đào tạo gồm: người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác là 565 người, chiếm 7,3%; hộ cận nghèo là 186 người, chiếm 2,4%; lao động nông thôn là 6.975, người chiếm 91%.
– Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm “tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tiến tới nông nghiệp thông minh hiện đại…”, bao gồm:
+ Đào tạo nghề cho 3.447 đối tượng lao động phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
+ Đào tạo nghề thực hiện an sinh xã hội vùng khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tại xã Thới Xuân và xã Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ) cho 83 lao động người dân tộc Khmer.
+ Đào tạo nghề cho 1.106 lao động nông thôn trong các tổ chức sản xuất như Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Câu lạc bộ gồm các nghề: Nuôi cá trê – Hợp tác xã Trường Trung A, huyện Phong Điền; Nuôi bò sữa – Hợp tác xã Bò sữa Long Hòa……
Một số tồn tại, hạn chế
Tỷ lệ lao động nông thôn tham gia học nghề nông nghiệp thuộc các đối tượng chính sách còn hạn chế, do các hộ dân còn phải tập trung chăm lo đời sống gia đình nên ít tham gia các khóa đào tạo.
Trong xu thế hiện nay lao động trẻ ít quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp hơn so với những lĩnh vực phi nông nghiệp; lĩnh vực sản xuất nông nghiệp lại tập trung chủ yếu là những người lớn tuổi, do đó những người ngoài độ tuổi lao động nhưng vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ khá lớn. Vì vậy theo quy định đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong độ tuổi lạo động đôi khi cũng gặp nhiều khó khăn do người có nhu cầu không thuộc đối tượng được hỗ trợ dạy nghề, người thuộc đối tượng được hỗ trợ lại không mặn mà với nghề được dạy.
Đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, việc liên kết với doanh nghiệp trong giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, nên phần lớn các hộ dân sau khi học nghề đều tự tạo việc làm.
Trình độ học viên không đồng đều nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng của học viên còn hạn chế, kế hoạch học tập phải thay đổi khi người dân vào mùa vụ sản xuất.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư và mở rộng sản xuất của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nên nhiều lao động sau khi học nghề không có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa nên chưa phát huy được hiệu quả sau học nghề.
Một số khuyến nghị, giải pháp
Xây dựng và hoàn thiện các chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp gắn với các ngành nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở từng địa phương; đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề và Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; Khuyến khích, vận động lao động trẻ tham gia học nghề để cải thiện sản xuất khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ.
Nâng cao vai trò và có các cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ Doanh nghiệp, Hiệp hội, HTX tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và sử dụng lao động nông thôn sau học nghề bằng nguồn kinh phí liên kết và xã hội hóa.
Về việc làm cho lao động nông thôn: cần xem xét bổ sung, thêm nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm để cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; điều chỉnh tăng mức cho vay tối đa đối với người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh; Mở rộng nhóm đối tượng được hưởng ưu đãi từ dự án hỗ trợ lao động có trình độ nhưng điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dịch vụ việc làm; Bổ sung thêm quy định về chính sách hỗ trợ việc làm đối với lao động tự làm, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao…; hỗ trợ chuyển dịch việc làm ở khu vực nông thôn.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình đào tạo, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề nghiệp, phát triển đa dạng các hình thức đào tạo nghề nghiệp ở địa phương như đào tạo nghề kèm cặp tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh (truyền nghề) thông qua các nghệ nhân và người có tay nghề cao.
Đẩy mạnh phát triển mạnh du lịch trải nghiệm (du lịch canh nông), khách tham quan, du lịch được trải nghiệm trực tiếp tại các trang trại, vườn của người sản xuất để theo dõi quy trình canh tác cũng như mua các sản phẩm nông nghiệp.
Phùng Lê Khanh, Lê Thị Hồng Liên
Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp